0915804875 CÂU LẠC BỘ YÊU NGHỀ TÓC HÀ NỘI KORIGAMI: Thợ làm tóc hay Nhà tạo mẫu tóc Hair Salon chuyên nghiệp

Thợ làm tóc hay Nhà tạo mẫu tóc Hair Salon chuyên nghiệp

Trong tiếng Anh, có nhiều từ khác nhau để chỉ một người thợ làm tóc. Trong đó, Hairdresser là từ thông dụng nhất chỉ người làm nghề tóc. Họ được học hành bài bản và có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực tạo mẫu thời trang tóc và làm việc trong các salon làm đẹp.

Baber - từ chỉ người chuyên cắt, cạo, nhấn mạnh yếu tố cạo (râu, tóc), chủ yếu chỉ dành cho người thợ nam, chuyên làm trong các cửa tiệm tóc phục vụ các đấng mày râu (baber shop). Những người này cũng phải có bằng cấp nhất định. Cao cấp và hiện đại hơn, có từ hairstylish - chỉ người thợ làm tóc (hairdresser) nhưng đạt đến đẳng cấp cao, có thể biểu diễn trên sân khấu và đưa ra các xu hướng mới trong thời trang - được gọi với danh từ chung là “nhà tạo mẫu tóc”.
Thực tế ngày nay, trong giới làm tóc nói chung hầu như không còn ai sử dụng từ hairdresser - thợ làm tóc để ám chỉ một người làm chủ một tiệm tóc lớn, xuất thân và đi lên từ người thợ nữa. Và dường như không cần phân biệt đẳng cấp, các chủ tiệm tóc – những người thợ làm tóc có đẳng cấp khác nhau, dù trình độ cao hay thấp, cũng đều muốn được công nhận (và tự nhận) mình là hairstylish - nhà tạo mẫu tóc.

Ở phương Tây, nghề tóc đã phát triển từ rất sớm.

Thợ làm tóc - Thợ làm thuê

Mặc dù vậy, từ “thợ làm tóc”, hay nói ngắn gọn hơn nữa là “thợ tóc” (tương tự thợ thêu, thợ, thợ may, thợ trạm khảm…) vẫn tồn tại trong đời sống xã hội, và được sử dụng ở trong một số các ngữ cảnh nhất định:
1, Thợ làm tóc bao gồm những người thợ, những người đứng các chủ tiệm tóc nhỏ ở ngóc ngách hang cùng ngõ hẻm, ở các khu xã, phường (không bao gồm phố thị), làng, chợ quê…Ở nghĩa này thì những người chủ kiêm thợ đều rất bình dân, mặc dù họ cũng có thợ phụ làm thuê. Đối tượng phục vụ của họ chủ yếu là bà con lối xóm những người quen thuộc trong địa bàn cư trú, với mức giá cả dịch vụ cũng vô cùng bình dân. Tuy nhiên, họ cũng cung cấp đầy đủ mọi loại hình dịch vụ dành cho tóc như cắt,  uốn,  duỗi,  nhuộm, hấp dưỡng,  nối đến các dịch vụ đi kèm như nail, cạo mặt, cạo lông mày, thậm chí xăm mắt, nối mi… Dĩ nhiên chất lượng thuốc hóa phẩm ở đây không thể sánh với chất lượng hóa phẩm đắt tiền, và theo đó chất lượng dịch vụ tóc nói chung không thể so sánh với những salon tóc lớn.
2, Thợ làm tóc cũng là từ được sử dụng trong ngữ cảnh chỉ những người thợ đang đi làm thuê tại các salon lớn. Họ được phân chia “đẳng cấp” theo trình độ nghề nghiệp thợ chính, thợ phụ, và theo bậc 1, 2, 3… Các thứ bậc này không do một chứng chỉ, một tổ chức nào công nhận mà chủ yếu phụ thuộc vào sự thể hiện tay nghề “cứng” hay không, khách hàng có hài lòng hay không, và đặc biệt là phụ thuộc vào thời gian, thâm niên làm nghề cũng như sự đánh giá của chủ salon.
Trong 2 nghĩa đó, những người thợ tóc nhìn chung đều là những người lao động thuần túy. Họ sử dụng tay nghề và sức lao động của mình để kiếm sống, hưởng lương từ chủ, tiền thưởng của khách, hoa hồng được định trên mức độ sử dụng các loại hóa phẩm được quy ra thành tiền/ đầu khách... Một cách ngắn gọn đã gọi là “thợ”, tức họ gần như không mơ được hưởng lợi lộc gì ngoài việc bỏ sức lao động làm dịch vụ. Chị Bích Hường, thợ chính bậc 1 của salon tóc D.Design ở quận 1, TP. HCM cho biết, về cơ bản, thợ làm tóc là người… làm giàu cho chủ. Đôi khi, tay nghề của họ còn cao hơn, và được khách hàng yêu thích hơn giới chủ, nhưng do họ không có vốn liếng, không có khả năng quản lý, không có dũng cảm “đứng tiệm” để thi thố hơn thua, lỗ lã, nên mãi vẫn chỉ là người “làm thuê” ba cọc ba đồng kiếm sống.

Các hairdresser phải nắm vững các kỹ năng làm tóc
Trong khi đó, chủ tiệm cũng có 2 dạng: Dạng kinh doanh trong ngành phân phối hóa mỹ phẩm, phụ liệu tóc và dạng những người thợ làm tóc, hoặc học nghề tóc ra mở tiệm, thì ở cả  2 dạng này, với đặc trưng là “chủ”, một số người ít khi trực tiếp động tay chân nên đôi khi thực hành nghề không bằng thợ chính, nhưng vẫn kiếm tiền “bộn”. Trong khía cạnh đó, chủ là người kinh doanh hơn là người làm nghề. Tất nhiên, cũng có những giới chủ đích thực là người làm nghề, suốt ngày luôn chân luôn tay chăm sóc, phục vụ khách hàng quen, thân thiết, có “order”. Và nhờ những người chủ là người thực sự làm nghề và biết khuếch trương của mình bằng tay nghề, nên ở những salon như vậy rất hiếm khi có cảnh dàn thợ ngồi chơi xơi nước, ngáp dài vì vắng khách.

Chủ + làm nghề = Hairstylist?

Ở Việt Nam, nghề tóc còn có một đặc trưng là mạnh ai người đó hành nghề, không có bất kỳ một “rào cản”, bộ lọc, hay một tiêu chí, yêu cầu cụ thể nào bắt buộc người làm nghề tóc phải đáp ứng đủ. Nói cách khác là với người làm nghề tóc, chỉ có một tiêu chuẩn duy nhất là họ có đáp ứng được khách hàng hay không. Khảo sát tại nhiều salon tóc lớn và các tiệm tóc nhỏ của Tóc Đẹp đều cho thấy, người làm nghề muốn mở tiệm phục vụ dịch vụ tóc, chỉ cần đăng ký kinh doanh. Lớn thì đăng ký ở Sở Kế hoạch Đầu tư như một doanh nghiệp, vừa vừa thì đăng ký kinh doanh ở Quận, Phường, bé hạt tiêu thì mở ra tự phát, nếu có cửa hàng, quầy họ thì thế nào phường, xã cũng tự khắc cử người phụ trách mảng thuế phường, xã đến kiểm tra và thu thuế định suất, nếu bé nữa như các tiệm tóc rong ở vỉa hè, lề phố thì thậm chí chỉ cần biết… chừng đội bảo vệ trật tự an ninh phố, phường…

Hairstylist - Những nhà tạo mẫu tóc có khả năng trình diễn trên sân khấu và đưa ra các xu hướng tóc mới

Có lẽ do đặc trưng dễ dàng đó mà không nơi đâu mật độ người làm tóc, tiệm tóc/ số dân đông như ở Việt Nam. Và cũng không nơi đâu mà hễ những ai có chút khéo tay, học hành đứt gánh giữa đường, cũng đều nghĩ đến chuyện học nghề làm tóc. Phố tôi ở Phan Xích Long (Quận Phú Nhuận, TP.HCM) có 4 khu chung cư Rạch Miễu, mỗi khu khoảng 50 căn hộ nhưng khu nào cũng có tiệm làm tóc, chưa kể xung quanh đường bàn cờ của khu, đường nào cũng có một tiệm. Chạy ra lộ lớn, suốt dọc Phan Xích Long, xen lẫn một phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng cũng là những tiệm làm tóc, thẩm mỹ viện, beauty spa. Tổng cộng con phố khoảng chừng 1,5 km phải có hơn 20 tiệm tóc lớn nhỏ, đó là đã loại trừ đoạn đường Phan Xích Long nối dài chừng 300 mét chạy vào khu chợ thì nơi đó còn san sát các cửa tiệm tóc và baber shop, chuyên phục vụ chị em tiểu thưởng. Ở đường Nguyễn Thái Bình (quận Tân Phú) chặng sau siêu thị Maximark, mật độ tiệm tóc/ m2 đất còn… “khủng khiếp hơn”. Chỉ chặng đường ngắn khoảng 300 mét mà có một dãy dài các cửa tiệm tóc nối nhau áng chừng khoảng 30 tiệm, tức tỷ lệ cứ 10m2 có một tiệm tóc. Với thành phố đô thị lớn nhất nước, tấc đất được ví như tấc vàng, và cũng có dân số đông nhất nước thì các tiệm tóc sinh sôi nảy nở không ngừng như vậy đã cho thấy một nhu cầu cực lớn về làm tóc, sửa sang cái gốc con người ở đây là không hề nhỏ.
Có thể nói tiệm tóc sinh ra là do nhu cầu từ phía người sử dụng lẫn cầu từ phía người làm dịch vụ để kiếm sống. Nhưng đôi khi tiệm tóc cũng được sinh ra do những nhu cầu, khát vọng của người làm tóc lớn hơn khát vọng kiếm sống, đó là làm giàu, là tìm kiếm danh tiếng. Đó là hệ quả của sự dễ dãi đối với việc thi triển nghề tóc, như bất kỳ ngành tự phát nào trong nói chung, và cũng là hệ quả của sự dễ dãi và tự tấn phong nhau trong giới làm nghề.
Tùy theo từng cấp độ mà sự tấn phong và nhận biết tay nghề của người làm nghề được phân định. Nói một cách nôm na là dân trong nghề thì có thể biết được ông A cắt tóc có thực sự ổn không, bà B nhuộm tóc có hay không và chị C có uốn tóc được không hay chỉ chuyên làm cháy tóc khách…, nhưng khách hàng qua quá trình trải nghiệm cũng chưa hẳn đã phân biệt được trình độ, tay nghề của khách. Tâm lý của người tiêu dùng dịch vụ làm đẹp hiện nay đang bị chi phối bởi quá nhiều yếu tố: dư luận (bao gồm thông tin truyền miệng và cả các “chiêu” PR Marketing), ít am hiểu về chuẩn mực của một mái tóc đẹp (khả năng thẫm mỹ), thị hiếu (phụ thuộc vào xu hướng và chung quanh nhiều hơn là cảm nhận bản thân), khả năng chi trả, lệ thuộc trào lưu... Và do vậy mà vai trò và đẳng cấp thực sự của một một nhà tạo mẫu tóc vô hình chung thường bị đánh đồng với một người thợ làm tóc, và ngược lại, theo một công thức: Ai đứng ra mở salon tóc, xuất thân trong nghề tóc, được 1, 2 giải thưởng hay một vài chứng nhận bổ túc, chứng chỉ của các hãng mỹ phẩm đào tạo… thì cũng dễ dàng vỗ ngực tự xưng mình là nhà tạo mẫu, hoặc dễ dàng được khách hàng gọi là nhà tạo mẫu.
Anh Phan Minh Thảo, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tóc Trẻ TP. Hồ Chí Minh ngậm ngùi: “Gọi là các nhà tạo mẫu danh tiếng, nhưng chúng ta chưa có những nhà tạo mẫu có thể tạo ra các trào lưu, xu hướng tóc. Cũng không có nhiều những nhà tạo mẫu biết tạo ra một kiểu tóc mới lạ, độc đáo”. Đó là nhận xét về các nhà tạo mẫu “danh tiếng” của Việt Nam, còn những nhà tạo mẫu không danh tiếng, thì không biết năng lực tạo kiểu tóc còn đi tới đâu?
Để kết lại câu chuyện về “loạn” thợ tóc, và “loạn” nhà tạo mẫu ở Việt Nam hiện tại, xin kể 1 câu chuyện nhỏ: Sau một cuộc thi Cây kéo vàng 2011 do một Hãng mỹ phẩm tổ chức trên toàn quốc, phóng viên Tóc Đẹp được biết có một thợ làm tóc ở quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh đoạt giải, liền tìm đến gặp gỡ. Cuộc hẹn đã được định sẵn từ hôm trước, đúng giờ hẹn, phóng viên đến cửa tiệm và hơi… bất ngờ. Khác với thông tin về chủ tiệm – người thợ tóc đoạt giải cung cấp về một tiệm tóc khang trang, nội thất tiện nghi, sạch đẹp, đội ngũ thợ chuyên nghiệp do anh là thợ chính phụ trách quản lý chuyên môn, thì trên thực tế đó là một cửa tiệm khá nhếch nhác nằm sâu ở ven vùng ngoại ô Hóc Môn. Chủ tiệm… chưa ngủ dậy. Chị D, chị gái ruột của chủ tiệm cho biết: Không bao giờ T. (tên chủ tiệm) ngủ dậy trước 11h trưa. Khách hàng đến sẽ có ba nhân viên nữ phục vụ, xử lý “tuốt luốt” mọi nhu cầu cắt uốn gội duỗi nhuộm, thậm chí với cả những đề nghị tạo kiểu tóc mới, tư vấn một mái tóc “độc”, với lý do: Đã được nhà tạo mẫu T. huấn luyện kỹ(!). Không đợi nổi 2 tiếng đồng hồ, phóng viên Tóc Đẹp đành xin phép hẹn lại hôm khác. Rời cửa tiệm mà trong lòng… hú vía vì may sao mình không phải là cư dân khu vực quanh đó. Bởi với cái bằng khen “Cây kéo vàng Toàn quốc 2011” chễm chệ được phóng to đặt trên bàn ngay lối ra vào tiệm, với dòng chữ “Nhà tạo mẫu tóc xuất sắc nhất 2011” đề màu vàng nhũ lấp lánh vừa được chuốt lại năm trên bảng hiệu cửa tiệm, thì chắn chắn cư dân quanh đó không mấy nghi ngờ tay nghề và đẳng cấp của tiệm tóc “xuất sắc” này, và chắc chắn họ sẽ đinh ninh mình đã và đang được phục vụ bởi một tay nghề xuất chúng, một tiệm tóc đẳng cấp ít nhất cỡ… toàn quốc.
Điều đáng nói là dường như một khi thị hiếu và thẩm mỹ của cư dân thời hiện đại cũng đang phụ thuộc vào rất nhiều “vấn đề”, thì có lẽ chẳng còn ai quan tâm lắm đến chuẩn mực của các danh xưng. Có lẽ vì vậy mà các danh xưng “trên trời” lẫn các danh xưng “dưới đáy” trong ngành tóc đều nhập nhằng, lẫn lộn và vô tư tồn tại!
Copyright © 0915804875 CÂU LẠC BỘ YÊU NGHỀ TÓC HÀ NỘI KORIGAMI Urang-kurai